Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Chuyện vui của du học sinh VN tại Thái Lan

Do chưa hiểu phong tục tập quán của người Thái, không ít du học sinh Việt Nam đã gặp phải những tình huống khó xử trong quá trình học tập, nghiên cứu tại đây.



Chào Vua Thái Lan
 Một lần, nhóm sinh viên Việt Nam đang ngồi ăn tại một quán vỉa hè thì bỗng nhiên cảnh sát xuất hiện và yêu cầu tất cả đứng lên. Do bất đồng ngôn ngữ nên du học sinh ta không hiểu vị cảnh sát yêu cầu gì. 

Tuy nhiên, theo hiệu của cảnh sát, mọi người phải bỏ dở tô hủ tiếu đang ăn và đứng trên vỉa hè đến 30 phút. Hóa ra, lúc đó vua Thái Lan sắp đi qua đoạn đường ấy nên tất cả mọi người phải đứng lên chào. 

Lần khác, trên chuyến xe từ Bangkok về trường (quãng đường khoảng 200km), cô bạn tôi đã gặp một tình huống mà theo cô ấy thì ngượng không tả. 

Đi được một quãng, người phụ nữ ngồi cạnh cô quay sang chắp tay chào (người Thái chào bằng cách chắp tay). Cô bạn tôi tưởng người phụ nữ này chào mình nên cũng chắp tay chào lại rất lịch sự. 

Thấy vậy, người phụ nữ lìên nhìn cô với ánh mắt khó hiểu. Một lúc sau, người phụ nữ này lại chắp tay và bạn tôi lại lịch sự chào lại. Cô bạn tôi phân vân liệu người phụ nữ này có “vấn đề” không. Người phụ nữ kia chắc cũng có suy nghĩ tương tự. 

Thế rồi cô bạn tôi phát hiện ra rằng người phụ nữ kia chắp tay lại chào mỗi lần xe đi qua chỗ có đặt hình vua hoặc hoàng hậu Thái Lan. Cô bạn tôi vừa ngượng vừa thấy vui vui vì học được thêm một nét văn hóa Thái. 

Quốc ca Thái
Sau chuyến đi chơi Pattaya về, tôi đến Tượng đài Chiến thắng ở thủ đô Bangkok để đón chuyến xe sớm về lại trường. Lúc đó là 6 giờ và tôi đang gặm ngấu nghiến cái bánh bao. Bỗng dưng trên loa phát thanh phát nhạc hiệu và tất cả mọi người đang đi đều đứng khựng lại và rất nghiêm trang. 

Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra nhưng thấy vậy cũng đứng bật dậy. Hóa ra, đó là quốc ca Thái Lan mà đài phát thanh phát lúc 6 giờ hàng sáng. 

“Cẩn thận” khi nói tiếng Việt
Qua Thái Lan, tôi nhận thấy người Việt Nam ở đây khá đông. Trong khi đó, sinh viên ta thường nghĩ ra nước ngoài thì cứ nói tiếng Việt thoải mái, nói đủ các thể loại chuyện mà không lo gì vì có ai hiểu đâu. 

Thế nhưng, anh bạn thân của tôi ở đây kể lại một kinh nghiệm xương máu khi anh mới sang du học. Trong một lần đi skytrain (tàu điện trên không), bạn tôi và hai anh chàng khác tự nhiên nhận xét bô bô về phụ nữ.

Họ đang cao hứng, bỗng nhiên người phụ nữ bên cạnh đó nhận điện thoại và nói chuyện với đầu bên kia bằng tiếng Việt: “Hôm nay về con gì hả em? Đánh hộ chị với nhé!”. Thế là cả ba dừng luôn chủ đề… phụ nữ.

Một câu chuyện khác về hai cô bạn tôi đi mua sắm. Đang chọn đồ, một cô quay sang bảo cô kia: “Này, trông bà đứng cạnh mình mặc bộ đồ xấu quá!” Thế là nhân vật chính quay sang nói bằng tiếng Việt: “Chị mặc bộ này không đẹp hả em?”. 

Còn rất nhiều câu chuyện lỡ lời kiểu này. Tóm lại, nên “cẩn thận” khi nói tiếng Việt ở Thái, nhất là ở Bangkok. Bởi lẽ, người Việt sinh sống ở đây cũng đông mà khách du lịch Việt Nam thì cũng không phải là ít.

Đồ ăn Việt Nam ở Thái
Ở Bangkok, bên cạnh các nhà hàng nổi tiếng của các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Ý, Hàn Quốc, nhà hàng Việt Nam cũng khá có tiếng. Đồ ăn Việt Nam tương đối dễ ăn đối với người Thái. Họ cũng thích đồ ăn Việt Nam. 

Lý do mà họ đưa ra là đồ ăn Việt Nam có... nhiều rau. Những món thịnh hành ở các nhà hàng Việt Nam tại đây là nem cuốn, bún thịt nướng, phở, bánh cuốn... Tuy nhiên, hương vị Việt Nam đã bị thay đổi chút ít cho phù hợp với khẩu vị của người Thái. 

Nhà hàng được đánh giá là có hương vị giống Việt Nam nhất được đặt ở trung tâm mua sắm Central Chidlom, do một phụ nữ người Việt tên Tâm đảm trách. Một cô bạn người Thái nói với tôi rằng, đồ ăn Việt Nam tuy ngon và hợp khẩu vị người Thái nhưng cũng thuộc loại đắt nhất ở đây. 

Để ăn một phần nem nướng với 2 cuốn bánh tráng thôi cũng mất 150 baht (tương đương 60.000 đồng Việt Nam). Các món khác cũng đắt không kém. Tuy nhiên, cũng đáng tự hào khi ẩm thực Việt Nam được người nước ngoài chú ý đến và trở thành món ăn ưa thích của họ.

Hương Giang (Theo TPO)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét